Thành công là nấc thang mà mỗi người chúng ta đều mong muốn đạt được. Tuy nhiên trên con đường dẫn tới sự thành công có vô vàn khó khăn mà không phải ai cũng có thể vượt qua. Để có được sự thành công đó, việc xây dựng cho mình một thương hiệu cá nhân là vô cùng quan trọng.
Thương hiệu cá nhân là gì?
Nói một cách dễ hiểu, thương hiệu cá nhân là giá trị của một cá nhân giúp phân biệt cá nhân đó với những người khác. Nó sẽ giúp chúng ta tối đa hóa sự ảnh hưởng của mình tới những người sẽ giúp chúng ta thành công. Thương hiệu cá nhân phản ánh tính cách và năng lực của người đó.
Xây dựng thương hiệu là công cụ hữu hiệu để cá nhân đó kiểm soát bản thân mình. Bởi vì việc xây dựng thương hiệu cá nhân là cách để làm cho người khác chấp nhận chúng ta từ cái nhìn đầu tiên, thông qua môi trường giao tiếp hoặc môi trường công việc.
Thương hiệu cá nhân giúp bạn hiểu rõ bản thân mình hơn, tăng sự tự tin và tính khẳng định: Tự vạch rõ bản thân mình thay vì để người khác nói bạn là ai. Bạn có đủ năng lực ảnh hưởng đến mọi người để mọi người chấp nhận bạn theo cách mà bạn mong muốn thông qua những giá trị riêng của bạn.
Khi nào cần xây dựng thương hiệu cá nhân?
Bạn cần một sự đột phá trong công việc, khi đó có một thương hiệu cá nhân tốt sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội và có nhiều sự ủng hộ hơn trong lĩnh vực hoạt động của mình để giúp bạn thành công.
Bạn cần xây dựng một thương hiệu cá nhân khi bạn cảm thấy mình đang đi chệch khỏi mục tiêu của mình. Lúc đó thương hiệu của cá nhân sẽ giúp bạn định hướng tốt để đi đúng mục tiêu mình đã đặt ra. Hoặc khi những người khác đang dần đạt mục tiêu còn mình thì không. Chúng ta cần xây dựng thương hiệu cá nhân khi mình chưa nhận được sự tín nhiệm của người khác dù đạt thành tích.
Tuy nhiên việc xây dựng thương hiệu cá nhân sẽ không hiệu quả nếu: Bạn muốn che đậy “ điểm yếu” của mình; bạn muốn thành công mà không cần phải vất vả hay bạn đơn giản chỉ muốn “chơi trội”
11 cách để xây dựng thương hiệu cá nhân hiệu quả.
Cách 1: Hãy nhìn nghề nghiệp của mình từ nhiều góc độ khác nhau.
Đừng xem bản thân mình là một nhân viên, một người lãnh đạo hay chỉ là một người lao công bình thường mà là một tài sản do chính ta sở hữu. Hãy vượt ra khỏi địa vị của bản thân mình, tự hỏi bạn nên làm gì để mang lại giá trị và điều gì khiến bạn tự hào nhất ở bản thân mình?
Cách 2 : Đánh giá lại lòng trung thành của bản thân.
Chúng ta nên làm việc khi có sẵn mục tiêu đã chọn và phải trung thành, kiên định với mục tiêu đó, sau đó phải trung thành với đội ngũ làm việc với mình, trung thành với khách hàng và với công ty.
Cách 3 : Luôn đáng tin cậy: luôn luôn thẳng thắn và trung thực với bản thân, năng lực và phẩm chất con người mình, khi đó bạn sẽ nhận được sự tín nhiệm từ người khác.
Cách 4 : Học tập từ những thương hiệu lớn. Xác định được yếu tố tạo nên sự khác biệt của bạn trong cạnh tranh. Yếu tố nào mà đồng nghiệp hay khách hàng đánh giá là mạnh nhất của bạn?
Cách 5 : Luôn luôn làm nổi bật bản thân mình. Việc làm nổi bật bản thân mình trong xây dựng thương hiệu cá nhân không phải ở bộ trang phục lộng lẫy, hay cái cặp da đẹp hay qua cử chỉ tác phong mà ở việc bạn luôn tham gia sôi nổi vào các hoạt động của nhóm; luôn thể hiện được khả năng trong cách buổi chia sẻ kinh nghiệm và luôn đưa ra những sáng kiến có tính xây dựng.
Cách 6 : Luôn nhất quán: đảm bảo những thông điệp bạn đưa ra phải luôn nhất quán, nó thể hiện từ cách bạn nói chuyện qua điện thoại, cho tới cách bạn giao tiếp trong các cuộc hội họp hay cách mà bạn viết thư điện tử. Nếu không mọi cố gắng của bạn sẽ không đi đến đâu.
Cách 7 : Tạo sự cân xứng giữa nội dung công việc và phong cách làm việc. Bạn cần thể hiện đúng vai trò của mình trong khi làm việc và phải xây dựng cho mình phong cách làm việc chuyên nghiệp.
Cách 8 : Xây dựng và quản lý mạng lưới marketting của bạn. Bạn bè đồng nghiệp và khách hàng của bạn sẽ là những phương tiện để truyền bá hữu hiệu thương hiệu của bạn. Những gì họ nói về bạn sẽ xác định giá trị thương hiệu của bạn.
Cách 9 : Học cách tác động đến người khác.Sử dụng quyền lực cá nhân, vị trí và mạng lưới quan hệ của bạn. Nhưng cần sử dụng hết sức thận trọng và khôn ngoan. Nếu không bạn sẽ không được coi là một nhà lãnh đạo đáng tin cậy.
Cách 10 : Tìm kiếm thông tin phản hồi bằng hai cách: bạn có thể hỏi trực tiếp những người xung quanh hoặc quan sát thái độ của những người mình cùng làm việc hoặc giao tiếp.
Cách 11: Đánh giá lại. thường xuyên kiểm tra động cơ thúc đẩy bạn làm việc; định nghĩa về sự thành công của bạn là gì; tự nhận xét bản thân và đưa ra những nhận định.
Bình luận Facebook
Bình luận